Lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2019 tăng nhẹ nhưng về kim ngạch và giá thì lại giảm tương đối. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cả nước xuất khẩu 4,86 triệu tấn sắt thép, thu về 3,16 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng nhưng giảm 6,9% về kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu giảm 11,7%, đạt trung bình 650,1 USD/tấn.

Riêng tháng 9/2019 xuất khẩu sắt thép tăng nhẹ 0,3% về khối lượng nhưng giảm 1,2% về kim ngạch và giảm 1,5% về giá so với tháng 8/2019; so với tháng 9/2018 thì giảm tương ứng 14,4%, 22,4% và 9,4%, đạt 493.413 tấn, tương đương 316,21 triệu USD, giá 640,9 USD/tấn.

Xuất khẩu sắt thép 9 tháng đầu năm 2019

 

Thị trường

9 tháng đầu năm 2019 +/- so với cùng kỳ năm 2018 (%)*
Lượng

(tấn)

Trị giá

(USD)

Lượng

 

Trị giá

 

Tổng cộng 4.862.459 3.160.899.712 5,4 -6,91
Campuchia 1.301.367 773.445.600 33,25 22,54
Indonesia 600.322 403.503.810 32,67 11,9
Malaysia 565.780 351.736.490 18,34 6,39
Mỹ 335.138 269.159.226 -53,3 -56,1
Thái Lan 295.307 180.367.099 16,57 4,63
Hàn Quốc 179.816 122.870.561 -9,21 -6,9
Nhật Bản 178.250 99.672.224 234,57 127,93
Philippines 179.983 91.265.665 -32,63 -40,12
Bỉ 129.115 85.462.553 -42,25 -50,5
Đài Loan (TQ) 146.659 84.925.035 -44,65 -40,43
Trung Quốc đại lục 139.009 68.806.922 2,429,74 795,71
Lào 92.869 66.262.934 3,2 -1,38
Ấn Độ 65.356 53.540.947 -50,98 -52,86
Italia 79.628 52.051.041 42,39 -12,07
Tây Ban Nha 43.557 33.211.896 11,54 11,53
Pakistan 44.921 22.909.369 55,32 32,42
Australia 27.756 22.260.652 -31,93 -31,93
Anh 26.301 19.758.036 -61,13 -63,55
Myanmar 24.474 17.965.970 -19,1 -16,68
Singapore 16.422 12.218.834 -16,38 -31,36
Brazil 5.649 5.130.212 167,85 155,38
U.A.E 6.259 4.689.262 -60,27 -73,72
Nga 4.533 4.608.959 -39,78 -40,86
Saudi Arabia 6.172 4.393.733 47,09 37,23
Thổ Nhĩ Kỳ 1.344 1.858.514 11,26 -1,09
Đức 1.035 1.686.758 -21,77 -44,83
Bangladesh 2.135 1.317.891 -68,51 -69,97
Achentina 634 1.204.536    
Ai Cập 1.464 993.883 -55,17 -57,24
Hồng Kông (TQ) 150 496.490 -21,47 -13,25
Kuwait 601 484.798  

 

Có thể thấy xuất khẩu sắt thép sang các thị trường chủ đạo vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu biểu nhất vẫn là các thị trường quen thuộc như Campuchia, Indonesia, Malaysia, đều tăng về lượng (18,3-33,3%), về kim ngạch (6,4-22,5%) nhưng giảm về giá (8-15,7%). 

So với cùng kỳ một số thị trường tăng rất mạnh như Trung Quốc tăng gấp 25,2 lần về lượng và tăng gấp 9 lần về kim ngạch, đạt 139.009 tấn, tương đương 68,81 triệu USD; Brazil tăng 167,9% về lượng và tăng 155,4% về kim ngạch, đạt 5.649 tấn, tương đương 5,13 triệu USD; Nhật Bản tăng 234,6% về lượng và tăng 127,9% về kim ngạch, đạt 178.250 tấn, tương đương 99,67 triệu USD.

 

Riêng thị trường Mỹ trước đây luôn được coi là thị trường chủ lực, tuy nhiên lại có sự sụt giảm đáng kể, xuất khẩu sắt thép sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh 53,3% về lượng và giảm 56,1% về kim ngạch, giảm 6% về giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 335.138 tấn, tương đương 269,16 triệu USD, giá 803 USD/tấn. Các thị trường khác cũng chứng kiến sụt giảm  tương tự như thị trường UAE, Bangladesh và Anh. 

Lý giải cho điều này đến từ vấn đề thuế suất mà mặt hàng sắt thép xuất khẩu từ Việt Nam phải chịu, đặc biệt là thép bởi những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Nhìn chung, dòng thuế áp dụng cho sản phẩm sắt thép của Việt Nam nhập khẩu vào các thị trường quan trọng như các nước trong khu vực ASEAN (Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan), Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Bỉ vẫn ở mức ưu đãi là 0% so với mức thuế MFN. 

Thuế suất trung bình cho sắt thép nhập khẩu từ Việt Nam tại một số thị trường quan trọng

 

Tuy nhiên, mức thuế trên không phản ánh đúng thực chất rủi ro tiềm ẩn đối với ngành này, đặc biệt là ngành thép. Cú shock đầu tiên phải kể đến vào tháng 7/2019 là mức thuế 456,23% mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp lên thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, với nguyên liệu sử dụng được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan để sản xuất thép chống gỉ và thép nguội. Mỹ được dự đoán sẽ có những mức thuế cao hơn và các biện pháp phòng vệ mạnh mẽ hơn khi họ nghi ngờ Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Còn đối với các quốc gia khác, các doanh nghiệp thép Việt cũng đang lo lắng bởi nguy cơ phải chịu mức thuế suất cao hơn là điều dễ dàng. Nguyên nhân là bởi tốc độ tăng các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại rất nhanh (8 vụ/tháng, 7 thị trường khởi kiện), trong đó các thị trường quen thuộc ở ASEAN cũng không ngoại lệ. Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần 2 biện pháp tự vệ đối với thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn; Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. 

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ hay Canada cũng đã áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam theo hình thức hạn ngạch thuế quan với mức hạn ngạch, mức thuế bổ sung ngoài hạn ngạch là 25% ( tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ), hay thuế lũy tiến (tại Canada). 

Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao các doanh nghiệp xuất khẩu sắt thép phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Đồng thời nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế. 

Ngọc Anh